Khi thuốc và các phương pháp điều trị không còn mang lại kết quả khả quan trong chữa trị đau khớp háng. Lúc này, phẫu thuật thay khớp háng nhân tạo là một trong những giải pháp được nhiều bệnh nhân tiến hành lựa chọn.
Phẫu thuật thay khớp háng nhân tạo là loại phẫu thuật giúp loại bỏ đi phần chỏm xương bị hư hỏng và thay vào đó phần chỏm xương mới bằng kim loại hoặc sứ với một chuôi cắm vào trong lòng tủy xương đùi. Đồng thời, bác sĩ có thể nạo bỏ phần ổ cối bị hư và đặt vào đó một chén phần kim loại bên trong có chứa sứ hay bằng polyethylene. Mỗi bệnh nhân sẽ thay một loại khớp háng nhân tạo khác nhau, tùy thuộc vào mức độ hư hỏng của khớp. Do đó, trước khi tiến hành phẫu thuật thay khớp háng nhân tạo, bác sĩ sẽ thực hiện các thủ thuật kiểm tra chuyên sâu và dựa vào kết quả để đưa ra quyết định loại khớp nhân tạo cần thay có phù hợp với người bệnh hay không.
Có mấy loại khớp háng nhân tạo?
Một số loại khớp háng khá phổ biến được áp dụng rộng rãi trong phẫu thuật thay khớp háng nhân tạo đó là:
1/ Khớp háng nhân tạo có xi măng và không có xi măng
#. Khớp háng nhân tạo không xi măng
Khớp háng nhân tạo không xi măng là loại khớp háng gắn trực tiếp và xương mà không cần xi măng được giới thiệu và những năm 1980. Đây là loại khớp được thiết kế với chiều dài và kích thước lớn hơn so với khớp có xi măng. Khác với khớp háng nhân tạo có xi măng, bề mặt khớp không xi măng không nhẵn mịn mà còn thô ráp và có nhiều hốc nhỏ. Bởi khớp không xi măng tập trung chú trọng đến khả năng mọc xương của bề mặt khớp nhân tạo để tạo sự gắn kết giữa khớp và xương. Do đó, để kích thích tạo sự mọc xương vào bề mặt của khớp, các nhà sản xuất đã tiến hành bao phủ lên bề mặt khớp nhân tạo một số hoạt chất có tên là Hydroxiapatite (HA) kích thích, thúc đẩy sự mọc xương.
Để xương phát triển vào bề mặt khớp nhân tạo và giúp bệnh nhanh chóng bình phục, người bệnh sau khi thay khớp không nên đi lại gây tỳ trọng lượng lên khớp mà cần dùng nạng đỡ trong thời gian đầu. Khớp không xi măng thường áp dụng cho những bệnh nhân trẻ tuổi với mức độ hoạt động cao và chất lượng xương còn tốt.
Nhận xét: Khớp không xi măng ra đời được đánh giá khá tốt, mang lại kết quả điều trị lâu dài, giúp loại bỏ những nhược điểm của khớp có xi măng như lỏng khớp do vỡ xi măng hay do tiêu xương. Tuy nhiên, tình trạng lỏng khớp vẫn có thể xảy ra khi sự mọc xương ăn vào bề mặt khớp không đạt hiệu quả. Bên cạnh đó, phản ứng sinh học có thể xảy ra ở khớp không xi măng có thể dẫn đến hiện tượng bào mòn khớp xảy ra.
#. Khớp háng nhân tạo có xi măng
Người ta có thể phân biệt khớp háng nhân tạo có xi măng hay không bằng cách khi gắn vào cơ thể, khớp có xi măng thường dùng xi măng để cố định khớp với cơ thể. Xi măng thường sử dụng ở đây là một polymer acrylic còn được gọi là polymethylmethacrylate (PMMA). Sự gắn kết giữa xi măng với khớp xương dựa trên sự ổn định trên bề mặt kim loại với xi măng, xi măng và xương. Ngày nay, chuôi khớp được làm bằng các vật liệu khó gãy nên nếu khớp có hỏng sau khi phẫu thuật chỉ có thể là do lỏng chuôi.
Khớp háng nhân tạo có xi măng trong hơn 40 năm qua đã được cải tiến nhiều về mặt kỹ thuật lẫn vật liệu nhằm mục đích cố định khớp vào xương đùi và ổ cối. Bệnh nhân khi thay khớp háng nhân tạo có xi măng có thể vận động sớm hơn và khả năng hồi phục khá nhanh. Do đó, có thể nói, thay khớp có xi măng được ghi nhận là đạt được nhiều thành công nhưng có lẽ đây không phải là khớp háng nhân tạo lý tưởng cho tất cả các bệnh nhân. Thay khớp háng nhân tạo toàn phần có xi măng chỉ thích hợp cho những bệnh nhân có tình trạng hoạt động thể chất kém và ít gây áp lực nén lên khớp như người bệnh lớn tuổi hoặc người trẻ tuổi nhưng có tình trạng sức khỏe hay chất lượng xương kém.
2/ Khớp háng nhân tạo toàn phần hoặc bán phần và bán phần lưỡng cực
#. Khớp háng nhân tạo toàn phần
Đây là loại khớp háng có cả phần ổ cối và phần chỏm xương đùi. Một khi phần ổ cối và chỏm xương đùi bị hư hỏng sẽ được khoét bỏ và thay bằng khớp háng nhân tạo toàn phần.
#. Khớp háng nhân tạo bán phần
Cấu tạo giải phẫu của khớp háng bao gồm hai phần chính đó là ổ cối thuộc xương chậu và chỏm thuộc xương đùi. Bác sĩ sẽ khuyến cáo bệnh nhân phẫu thuật thay khớp háng nhân tạo bán phần nếu người bệnh gặp phải tình trạng tổn thương một trong hai phần này. Thông thường, phần lớn các trường hợp thay khớp háng nhân tạo bán phần, ổ cối thường được giữ nguyên còn chỏm xương đùi thường được thay thế.
Khớp háng nhân tạo bán phần là loại chỉ có chỏm kim loại, trong đó có chỏm Moore. Đây là loại khớp háng chỉ có chỏm gắn chặt với chuôi bằng kim loại và cắm trong lòng tủy xương đùi. Loại chỏm này sẽ xoay và tiếp xúc với ổ cối khung chậu nên thường gây đau và làm hạn chế khả năng cử động của bệnh nhân. Khớp háng nhân tạo bán phần này thường chỉ áp dụng cho bệnh nhân cao tuổi, cần rút ngắn thời gian phẫu thuật khi bị tổn thương chỏm hoặc cổ xương đùi.
#. Khớp háng nhân tạo bán phần lưỡng cực
Đây là loại khớp háng có chỏm bằng kim loại bên ngoài bao lấy một chỏm nhỏ bên trong. Đồng thời, chỏm nhỏ này gắn với chuôi để cắm vào lòng tủy xương đùi. Khi đó, chỏm con sẽ quay quanh chỏm lớn và làm hạn chế sự cọ sát giữa chỏm lớn và ổ cối xương chậu, hạn chế tình trạng đau nhức cho bệnh nhân.
Tuổi thọ của khớp háng nhân tạo là bao lâu?
Theo một số kết quả nghiên cứu từ Mỹ cho thấy, khớp háng nhân tạo thường có tuổi thọ trung bình nhất định từ 10 – 15 năm và cũng có thể kéo dài được 20 năm. Tuy nhiên, tuổi thọ của khớp háng dài hay ngắn còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, chẳng hạn như tình trạng sức khỏe của người bệnh, tần suất vận động và di chuyển ở bệnh nhân dẫn đến sự bào mòn khớp, loại khớp háng nhân tạo bệnh nhân thay,… Thông thường, khớp háng nhân tạo không có xi măng sẽ giữ và cố định khớp nhân tạo lâu hơn loại có xi măng. Do đó, trên thực tế thật khó để xác định chính xác tuổi thọ của khớp háng nhân tạo, loại khớp nào sẽ tồn tại lâu hơn loại nào. Khớp háng nhân tạo có hay không có xi măng? Kim loại hay polyethylene hay sứ?
Với các loại khớp háng nhân tạo nêu trên, tùy thuộc vào tình trạng bệnh của từng bệnh nhân khác nhau, bác sĩ sẽ chỉ định loại khớp cần thay. Tuy nhiên, tuổi thọ của khớp háng không lâu, bệnh nhân vẫn có thể quay lại triệu chứng đau như ban đầu. Do đó, trước khi tiến hành thay khớp háng nhân tạo, người bệnh cần nhận sự tư vấn và hướng dẫn kỹ từ bác sĩ chuyên khoa.
BTV: Khả Ngân
→ Tìm hiểu ngay:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!