8 dấu hiệu viêm khớp háng dễ nhận biết nhất

Đau hông, giảm khả năng vận động ở khớp háng là những dấu hiệu viêm khớp háng phổ biến nhất mà bất kì bệnh nhân nào cũng gặp phải. Căn bệnh này thường tiến triển âm thầm và rất nhiều trường hợp chủ quan bỏ qua những triệu chứng của viêm khớp háng cho đến khi các hoạt động hàng ngày bị ảnh hưởng mới chịu đi khám thì bệnh đã bước vào giai đoạn nặng khó chữa trị dứt điểm.

Nội dung bao gồm:

I. 8 dấu hiệu viêm khớp háng dễ nhận biết nhất

II. Người bị viêm khớp háng nên làm gì?

Nhận diện sớm các dấu hiệu viêm khớp háng là đặc biệt quan trọng
Nhận diện sớm các dấu hiệu viêm khớp háng là đặc biệt quan trọng

Hiện nay, nguyên nhân chính xác của bệnh viêm khớp háng vẫn chưa được xác định rõ ràng. Các nhà nghiên cứu tin rằng căn bệnh này xảy ra khi hệ miễn dịch của cơ thể hoạt động mạnh và tấn công mô khỏe mạnh gây phá hủy lớp sụn quanh khớp háng và khiến cho khớp bị viêm và sưng đau. Một số bằng chứng cũng cho thấy rằng di truyền học đóng một vai trò nhất định trong sự phát triển của bệnh.

Dưới đây là danh sách các triệu chứng và dấu hiệu của bệnh viêm khớp háng thường gặp. Việc nhận biết và điều trị các triệu chứng sớm có thể làm chậm hoặc loại trừ sự tiến triển của  bệnh viêm khớp háng.

I. 8 dấu hiệu viêm khớp háng dễ nhận biết nhất

Khác với một số bệnh lý khác, các bệnh về khớp, đặc biệt là ở những khớp lớn như  bệnh viêm khớp háng, viêm khớp gối khá dễ nhận biết các triệu chứng. Tuy nhiên các dấu hiệu này thường không xuất hiện sớm mà chỉ xuất hiện khi khớp đã gặp phải những thương tổn nhất định, khiến cho sụn bị bào mòn, xương chạm vào ổ khớp thì mới bắt đầu có các triệu chứng rõ rệt. Thông thường bệnh nhân dễ dàng nhận biết các triệu chứng viêm khớp háng thông qua một số biểu hiện như:

1. Đau nhức ở khớp háng, mông, đùi

Nếu bạn đang bị đau nhức ở khớp háng hay khu vực mông, đùi rất có thể bạn đang bị viêm khớp háng vì đây là triệu chứng đặc trưng và đến sớm nhất của căn bệnh này. Những dấu hiệu đau nhức ở các khu vực trên sẽ bắt đầu xuất hiện khi xương đùi có các dấu hiệu cạ vào ổ khớp, sụn khớp mòn và khả năng bôi trơn kém. Nhiều bệnh nhân bị viêm khớp háng cho biết họ bị đau ở háng và phía sau lưng khi cố mang một vật nặng gì đó ở bên hông. Ngoài ra chứng đau do viêm khớp háng còn có biểu hiện như:

  • Đau nặng hơn sau khi ngủ dậy vào buổi sáng hoặc khi đứng lên sau khi ngồi trong một khoảng thời gian dài
  • Cơn đau có thể lan từ háng qua mông rồi xuống đến bắp đùi và đầu gối
  • Tăng cường độ đau khi hoạt động mạnh, rõ rệt nhất là khi leo cầu thang
  • Khi cơn đau trở nên trầm trọng có thể ảnh hưởng đến việc đi đứng của bệnh nhân.

Khi mới khởi phát các cơn đau chủ yếu tăng dần khi vận động, cử động các khớp và giảm đau khi bệnh nhân nghỉ ngơi. Tuy nhiên khi bước vào giai đoạn bệnh chuyển nặng thì tần suất và cường độ đau đều có thể tăng lên, thậm chí không có dấu hiệu thuyên giảm khi nghỉ ngơi.

Những dấu hiệu viêm khớp háng dễ nhận biết nhất
Cơn đau có biểu hiện lan sang các khu vực xung quanh như mông, đùi, lưng,..

2. Cứng khớp háng

Đây là dấu hiệu không chỉ xảy ra ở riêng bệnh viêm khớp háng mà còn xảy ra ở bất kì khớp nào bị viêm. Triệu chứng cứng khớp gặp rõ ràng nhất là vào buổi sáng, hoặc sau một thời gian dài không hoạt động (như ngồi trong xe hơi hay máy bay). Hiện tượng cứng khớp thường biến mất sau khoảng 30 phút hoạt động nhẹ nhàng khi các khớp đã được làm ấm lên.

Ngoài ra, một số trường hợp vận động mạnh như chạy nhảy cũng có thể gây ra cứng khớp ở một số bệnh nhân. Tình trạng này khiến cho người bệnh gặp phải hạn chế rất lớn trong vận động, không thể đưa chân ra trước, ra sau, vòng ra hay vòng ngược vào trong được.

Cứng khớp háng ở bệnh nhân viêm khớp háng
Cứng khớp háng ở bệnh nhân dễ gặp phải sau khi ngủ dậy

3. Giới hạn phạm vi chuyển động là triệu chứng viêm khớp háng

Thông thường, cấu trúc khớp cầu lồi của khớp háng cho phép cơ thể thực hiện rất nhiều chuyển động trong phạm vi lớn như mở rộng chân thẳng về phía trước hay sau, dạng chân ra 2 bên hoặc chĩa chân vào trong…Tuy nhiên khi bị viêm khớp háng, phạm vi của các hoạt động trên đều bị thu hẹp do sụn khớp đã bị phá hủy, dịch nhầy bôi trơn khớp háng cũng không có nhiều và càng cử động mạnh bệnh nhân càng thấy đau.

Điều này khiến cho những hoạt động, chuyển động của bệnh nhân gặp phải khó khăn, dáng đi không được bình thường, làm thay đổi dáng đi. Đa phần người bệnh sẽ đi khập khiễng hoặc phải dùng nạng khi di chuyển, điều này cũng gây ra nhiều cản trở trong cuộc sống. Nếu không can thiệp sớm, tình trạng bệnh sẽ dẫn đến những hệ quả nặng nề và khó lường hơn.

4. Sưng khớp háng kinh niên

Đây cũng là triệu chứng bệnh viêm khớp háng mà chúng ta không nên chủ quan bỏ qua khi gặp phải. Do lớp sụn bao quanh khớp háng đã bị phá hủy nên khi chúng ta cử động sẽ làm cho xương đùi và xương chậu cọ sát vào nhau khiến khớp háng trở nên khó chịu và sưng tấy. Sưng có thể gây đau nhức và làm yếu các cơ xung quanh đang thực hiện chức năng hỗ trợ cho khớp háng.

Sưng khớp háng kinh niên thường kéo dài dai dẳng
Sưng khớp háng kinh niên thường kéo dài dai dẳng

5. Khớp háng phát ra âm thanh lạ khi cử động

Khi sụn bị bào mòn, các khớp thường có những âm thanh bất thường. Đối với các khớp nhỏ như khớp ngón tay, khớp cổ tay thường khó nhận ra tình trạng này. Tuy nhiên với các khớp lớn như khớp gối, khớp háng, dễ nhận thấy các âm thanh lạ khi cử đông, vật động các khớp này, nhất là khi có hoạt động gập duỗi.

Đôi khi bệnh nhân có thể nghe thấy những âm thanh lạ ở khớp háng, chẳng hạn như tiếng kêu lắc rắc, lạo xạo bên trong khi cử động khớp háng. Đây là dấu hiệu của hiện tượng ma sát xương gây ra bởi viêm khớp háng. Bệnh nhân có thể nhận thấy dấu hiệu này khi đứng, ngồi, leo cầu thang,…

6. Đi lại khập khiễng, mất thăng bằng

Hiện tượng đau đớn khi cử động khớp háng hoặc khi đi lại là điều không thể tránh khỏi khi bị viêm khớp háng. Để giảm thiểu các cơn đau, bệnh nhân có khuynh hướng đi lại khập khiễng hoặc bị lảo đảo về phía trước để tránh gây áp lực lên háng bị ảnh hưởng.

Bệnh nhân viêm khớp háng có thể gây khó khăn trong vận động
Bệnh nhân viêm khớp háng có thể gây khó khăn trong vận động

7. Mất chức năng hoạt động của khớp háng

Các hoạt động hằng ngày có liên quan đến khớp háng như  nhấc chân lên để mang vớ hoặc mang giày có thể trở nên  rất khó khăn hoặc đôi khi là không thể đối với những người bị viêm khớp háng nặng. Hay như việc đứng lên ngồi xuống một chiếc ghế, ra vào ô tô đối với người bệnh cũng là một khó khăn cho bệnh nhân bị viêm khớp háng.

8. Biến dạng khớp háng

Biến dạng khớp là dấu hiệu nguy hiểm cảnh báo bệnh viêm khớp háng đã bước vào giai đoạn nặng. Người bệnh không thể đi lại được do chỏm khớp đã bị tổn thương lâu ngày dẫn đến biến dạng và hình thành nhiều gai xương bám xung quanh. Kèm theo đó, người bệnh có thể mất luôn khả năng xoay người, gập người lên xuống do các cơ bên khớp háng bị viêm teo nhỏ lại.

Những dấu hiệu viêm khớp háng dễ nhận biết nhất
Biến dạng khớp háng là triệu chứng nặng nhất và dễ gây biến chứng

Các dấu hiệu viêm khớp háng thường xuất hiện với tần suất và mức độ nghiêm trọng tùy theo giai đoạn tiến triển của bệnh. Càng về những giai đoạn sau, bệnh nhân sẽ càng phải chịu đựng sự đau đớn nhiều hơn và có nguy cơ gặp phải nhiều biến chứng không chỉ ảnh hưởng đến khả năng vận động của cơ thể mà còn ảnh hưởng đến tim mạch.

II. Người bị viêm khớp háng nên làm gì?

Đối với người bị viêm khớp háng, thăm khám, điều trị sớm và áp dụng song song các biện pháp phòng tránh bệnh tái phát trở lại được xem là yếu tố quan trọng và đặc biệt cần thiết.

  • Chẩn đoán và điều trị

Chẩn đoán và điều trị viêm khớp háng nên được điều trị càng sớm càng tốt để tránh những ảnh hưởng xấu do bệnh gây ra. Bệnh nhân khi xuất hiện các dấu hiệu của bệnh viêm xương khớp nên đến các bệnh viện, chuyên khoa chấn thương chỉnh hình để được chẩn đoán, thăm khám và điều trị sớm để cải thiện sức khỏe.

Các xét nghiệm cơ bản hiện nay và những phương pháp chẩn đoán hình ảnh có thể giúp đánh giá tình trạng sức khỏe, tiến triển của bệnh, các vị trí bị ảnh hưởng. Từ đó bác sĩ có thể chỉ định những hướng điều trị phù hợp. Hầu hết các cơ sở y tế hiện nay đều có thể thực hiện chẩn đoán lâm sàng với bệnh viêm khớp háng và thực hiện chụp X-quang thường quy để đánh giá trình trạng bệnh. Một số trường hợp cần đánh giá chi tiết hơn thì có thể đến một số bệnh viện tuyến trên để thực hiện chụp CT, MRI và các xét nghiệm chuyên sâu hơn.

Sau khi chẩn đoán và thực hiện một số xét nghiệm ban đầu, bệnh nhân có thể được chỉ định điều trị nội khoa hoặc điều trị ngoại khoa tùy theo tình trạng tiến triển của bệnh và điều kiện sức khỏe của bệnh nhân.

Chẩn đoán viêm khớp háng bằng X-quang
Chẩn đoán viêm khớp háng bằng X-quang
  • Điều trị nội khoa

Điều trị nội khoa thường sử dụng một số thuốc giảm đau, kháng viêm và một số loại thuốc khác nhằm giảm đau nhanh và cải thiện triệu chứng viêm khớp háng. Các nhóm thuốc phổ biến thường được sử dụng trong điều trị gồm có: aspirin, diclofenac, ibuprofen, naproxen, paracetamol,… Đây là nhóm các thuốc không chứa steroid thường dùng trong giảm đau. Một số loại thuốc tuy không cần kê toa nhưng phải dùng đúng chỉ định, tránh lạm dụng bừa bãi sẽ gây ra những tác dụng phụ không mong muốn cho sức khoẻ.

  • Điều trị ngoại khoa

Thường không được ưu tiên trong điều trị viêm khớp háng mà được xem như giải pháp cuối cùng trong những trường hợp điều trị nội khoa không đáp ứng, tình trạng viêm khớp háng ở bệnh nhân nặng, khó có khả năng phục hồi, nguy cơ biến chứng cao. Đối với những trường hợp này bác sĩ sẽ xem xét phẫu thuật thay khớp háng.

Hiện tại có thể thay khớp háng toàn phần và thay khớp háng bán phần tuỳ theo mức độ viêm khớp háng đã diễn tiến ở mức nào. Đây là cách để giúp bệnh nhân có thể lấy lại khả năng vận động của các khớp. Sau khi thực hiện phẫu thuật, bên nhân cũng cần theo dõi tình trạng sức khoẻ, đặc biệt là những dấu hiệu nghi ngờ biến chứng sau phẫu thuật.

❋ Phòng tránh viêm khớp háng

Để phòng tránh các biến chứng nguy hiểm của căn bệnh này, cần tích cực điều trị bệnh ngay từ giai đoạn sớm. Một chế độ dinh dưỡng cân bằng và thói quen sinh hoạt, tập luyện khoa học sẽ giúp phòng và chữa bệnh hiệu quả hơn. Bạn nên lưu ý một số vấn đề sau để phòng tránh có hiệu quả bệnh viêm khớp háng:

  • Hạn chế các hoạt động dễ gây tổn thương khớp háng, nhất là những hoạt động mang vác nặng, các môn thể thao đòi hỏi thể lực như bóng đá, bóng rổ, tenis, các hoạt động tác động nhiều lên khớp và sụn khớp.
  • Chú ý đến cân nặng cơ thể và điều chỉnh cân nặng thích hợp, tránh các tác động xấu lên khớp háng do thừa cân, béo phì.
  • Bệnh nhân đang trong quá trình điều trị và sau điều trị viêm khớp háng nên mang theo gậy để hỗ trợ khi di chuyển. Ngăn ngừa té ngã khiến cho chấn thương nặng hơn.
  • Áp dụng các bài tập nhẹ nhàng và phù hợp theo hướng dẫn của bác sĩ đồng thời thăm khám định kỳ theo lịch hẹn để theo dõi tình trạng sức khỏe.

Trên đây là một số dấu hiệu chính bạn cần biết để phát hiện sớm bệnh viêm khớp háng và tránh những ảnh hưởng xấu cho sức khỏe. Đối với các bệnh xương khớp như viêm khớp háng, việc thăm khám và điều trị sớm có ý nghĩa rất quan trọng trong phòng ngừa và ngăn chặn bệnh tiến triển nặng nề hơn.

➥ Bạn đừng nên bỏ qua:

Đóng

Niềm vui khi điều trị khỏi căn bệnh xương khớp của người Việt xa xứ!

Cập nhật lúc 09:37 - 23/07/2018

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *