Viêm khớp vai là tình trạng bệnh lý có thể gây ra nhiều tác động tiêu cực cho sức khỏe cũng như vận động của bệnh nhân. Tương tự như nhiều bệnh xương khớp khác, thăm khám và điều trị sớm đối với bệnh viêm khớp vai là rất quan trọng để đảm bảo sức khỏe và duy trì chức năng ở vùng khớp vai.
Nội dung bao gồm:
I. Kiến thức về bệnh viêm khớp vai
- Viêm khớp vai là gì?
- Các thể viêm khớp vai
- Nguyên nhân gây viêm khớp vai
- Biến chứng của viêm khớp vai
I. Kiến thức về bệnh viêm khớp vai
A. Viêm khớp vai là gì?
Bệnh viêm khớp vai (Periarthritis humeroscapularis) là bệnh lý tại bộ phận gây ảnh hưởng đến cấu trúc khớp vai cũng như phần mềm xung quanh khớp vai như gân, dây chằng, sụn khớp, viêm bao khớp,…
Khớp vai có chức năng quan trọng trong việc kết nối cánh tay vào thân trên và tham gia vào các hoạt động, vận động của hai chi trên. Cấu trúc của khớp vai có sự tham gia của 3 xương chính, bao gồm xương đòn (clavicle), xương vai (scapula), xương cánh tay (humerus). Ngoài ra vận động của khớp vai còn có sự hỗ trợ của khớp cùng vai – đòn (acromioclavicular joint), khớp cùng vai – đòn, khớp ổ chảo – cánh tay (glenohumeral joint), ổ chảo (glenoid), khớp chỏm cầu (ball and socket joint), sụn viền (labrum), chóp xoay (rotator cuff), túi hoạt dịch (bursa),…
Với cấu trúc phức tạp và có nhiều yếu tố cấu thành, khớp vai là một trong những khớp có thể hoạt động linh hoạt nhất trên cơ thể, có thể thực hiện nhiều cử động như xoay cánh tay, nâng cánh tay, cử động cánh tay theo đa dạng các hướng. Sự hỗ trợ giữa sụn, các cơ, bao hoạt dịch,… cũng khiến cho khớp được trơn tru và thuận lợi hơn.
Chính vì thế, khi có các dấu hiệu viêm khớp vai, chức năng vận động của các chi trên sẽ giảm hẳn, ảnh hưởng xấu đến những hoạt động, sinh hoạt hằng ngày. Mặc dù viêm khớp vai không phải là bệnh lý có thể ảnh hưởng đến tính mạng. Tuy nhiên viêm khớp vai nếu không được điều trị sớm có thể dẫn đến nhiều biến chứng nặng nề, ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe của bệnh nhân.
B. Các thể viêm khớp vai
Bệnh viêm khớp vai có 5 thể điển hình, với một số triệu chứng riêng biệt mà bạn có thể nhận diện được tư sớm:
1. Thể viêm cấp tính
Đây là dạng viêm khớp vai thường xuất hiện đột ngột, đôi khi không rõ nguyên nhân. Biểu hiện chính của viêm khớp vai thể cấp tính thường có dấu hiệu bệnh đau vai dữ dội và liên tục, cường độ đau càng tăng lên khi vận động nhiều. Vị trí của cơn đau có thể xuất hiện tại chỗ, đôi khi có cảm giác đau xuyên qua lưng, lan lên một số khu vực như cổ, gáy, đầu, sau đó lan ra chi trên như cánh tay và bàn tay.
Ở người bị viêm khớp vai thể cấp tính, bệnh nhân khi sờ vào cánh tay thì không thấy dấu hiệu sưng, nhưng có cảm giác vùng khớp vai nóng hơn so với bình thường. Khi bệnh nhân cử động các khớp vai sẽ có cảm giác rất khó khăn. Đặc biệt là khi cử động cánh tay ra trước, vòng ra phía sau hay nâng cánh tay lên. Khi khép chặt cánh tay thì có cảm giác đỡ đau hơn so với khi vận động cánh tay.
Mỗi đợt viêm khớp vai cấp thường kéo dài khoảng vài tuần. Sau thời gian này, những cơn đau có thể giảm dần và cử động cánh tay ổn định hơn. Tuy nhiên cũng có những trường hợp viêm khớp vai cấp tiến triển nặng hơn, cần có sự can thiệp y tế để cải thiện tình trạng đau và ổn định vị trí viêm sưng.
2. Thể liệt cứng, hãm khớp
Khác với thể viêm cấp tính, bệnh nhân tuy bị đau nhưng vẫn có thể cử động cánh tay, ở thể liệt cứng, hãm khớp, bệnh nhân viêm khớp vai rất khó xoay, cử động cánh tay. Quanh khớp vai có cảm giác bị cứng và khó chịu. Thông thường bệnh nhân viêm khớp vai thể liệt cứng, hãm khớp có thể xảy ra sau khi người bệnh có cơn đau cấp tính nhưng cũng có thể xảy ra ở lần đau đầu tiên, không qua cơn đau cấp tính.
3. Thể đau khớp
Đây là thể nhẹ nhất trong số 5 thể của bệnh viêm khớp vai. Những bệnh nhân viêm khớp vai ở thể đau khớp thường chỉ có dấu hiệu đau nhẹ ở vùng khớp vai. Các cử động của khớp vai thường không bị ảnh hưởng quá nhiều. Một số trường hợp, bệnh nhân cũng có thể nghe thấy tiếng lộp cộp bên trong khớp vai khi hoạt động, cử động.
Tuy thể đau khớp ở bệnh nhân viêm khớp vai thường nhẹ nhưng cũng không nên chủ quan mà cần thăm khám để theo dõi và điều trị sớm, tránh ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn.
4. Thể co rút đau khớp vai
Đây là thể ảnh hưởng khá nhiều đến cử động cánh tay, bệnh nhân khi mới gặp phải viêm khớp vai thể co rút thường đau nhức với nhiều cường độ khác nhau, các hoạt động, vận động cũng khó khăn hơn trước. Đặc biệt, đa số bệnh nhân bị giới hạn cử động cánh tay, thường chỉ có thể dang tay trong một phạm vi hẹp, không thể giang tay từ 70 – 90 độ được. Các hoạt động của bàn tay và ngón tay cũng bị hạn chế đáng kể, dẫn đến khó cầm nắm trong sinh hoạt. Ngoài ra, khi sờ nắn, bệnh nhân cũng bị đau nhiều ở mặt trước hơn là ở mặt sau.
5. Thể liệt vai
Đây là thể viêm khớp vai khá nặng, thường là do những tai nạn và những yếu tố gây đứt các gân cơ ở vành đai phía sau. Đa số bệnh nhân thường đau nhiều và khó khăn trong cử động cánh tay nhưng ngón tay, bàn tay vẫn có thể cử động bình thường. Đa số những bệnh nhân viêm khớp thể liệt vai thường dễ gặp các biến chứng liên quan đến teo cơ cánh tay hoặc viêm co rút teo khớp vĩnh viễn.
Những bệnh nhân viêm khớp thể liệt vai khi chụp X-quang có thể thấy đầu xương cánh tay kéo lên cao hơn, giữa đầu xương cánh tay và mõm xương cùng vai hẹp có một khoảng cách rõ rệt.
C. Nguyên nhân gây viêm khớp vai
Viêm khớp vai là một trong số những bệnh lý về xương khớp rất phổ biến, mà nguyên nhân chủ yếu là do vận động quá sức hoặc mắc các bệnh lý cấp và mãn tính như viêm mô mềm ở vùng khớp vai. Trong đó nguyên nhân do khớp vai bị bị hao mòn và rách sụn hoặc viêm khớp dạng thấp bệnh tự miễn dịch khiến cho một hay nhiều khớp trở nên bị viêm khá phổ biến.
Có thể chia làm hai nhóm nguyên nhân gây viêm khớp vai là nhóm nguyên nhân trực tiếp và nguyên nhân gián tiếp.
- Nguyên nhân trực tiếp
Chủ yếu gặp phải do các chấn thương, hoạt động đột ngột, các bệnh lý xương khớp, viêm gân, xảy ra tại chỗ. Một số nguyên nhân trực tiếp điển hình là viêm quanh khớp vai, trật khớp vai do chấn thương, vôi hóa khớp vai và thoái hóa khớp vai.
- Viêm quanh khớp vai
Viêm quanh khớp vai là một dạng chấn thương phần mềm ở các vị trí xung quanh khớp vai chủ yếu là cơ, gân, dây chằng, bao khớp… Mặc dù gây đau đớn, khó chịu rất nhiều nhưng hầu như chúng không có bất cứ tổn thương nào ở phần sụn khớp, đầu xương hoặc bao dịch hoạt.
Các yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến viêm quanh khớp vai thường là thời tiết, chấn thương trong sinh hoạt, công việc, yếu tố tuổi tác,… Đa số bệnh nhân viêm khớp vai được chẩn đoán là viêm quanh khớp vai thường khỏi sau vài tuần đến vài tháng. Một số trường hợp xấu có thể tái đi tái lại hoặc chuyển thành viêm khớp vai dạng cấp hoặc dạng cứng khớp vai.
- Thoái hóa khớp vai
Tình trạng này thường gặp nhất ở đối tượng cao tuổi do quá trình lão hóa tự nhiên, lao động nặng nhọc hoặc có tiền sử chấn thương. Biểu hiện rõ ràng nhất chính là sự suy yếu dần của các khớp, làm mòn sụn, bao hoạt dịch khô, xơ cứng và đau nhức dai dẳng. Tình trạng này kéo dài có thể gây viêm khớp vai và ảnh hưởng đến cả chi trên, đau lan ra vùng cánh tay, đến bàn tay và các ngón tay.
- Trật khớp vai
Trật khớp vai là dạng chấn thương có thể xảy ra trong các hoạt động, sinh hoạt hằng ngày. Những hoạt động mang vác quá sức có thể khiến cho các đầu khớp của vai bị lệch khỏi vị trí ban đầu, khớp có biểu hiện sưng đỏ, đau nhức và làm cản trở quá trình vận động của cả cánh tay.
Tùy theo tình trạng chân thương mà khớp vai có thể bị lật ra trước, ra sau hoặc lật xuống dưới, cũng có thể lật hoàn toàn hoặc lật một phần. Tình trạng trật khớp vai cũng là một trong những nguyên nhân thúc đẩy tình trạng viêm khớp vai xảy ra.
- Vôi hóa khớp vai
Vôi hóa khớp vai là một trong những hệ quả của bệnh thoái hóa xương khớp. Thiếu hụt canxi trong thời gian dài, chấn thương lâu ngày là những nhân tố tiêu biểu hình thành canxi hóa khiến khớp vai bị gai vôi, chồi gai, chồi xương ở đầu xương chèn ép vào các dây thần kinh xung quanh và gây đau nhức. Cơn đau thường lan rộng từ vai đến cánh tay và cả bàn tay.
- Nguyên nhân gián tiếp
Một số bệnh lý gián tiếp như các bệnh cổ vai gáy, một số bệnh lý ở vùng trung thất, các bệnh lý ảnh hưởng xấu ở màng phổi. Những nguyên nhân này đều có những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, gián tiếp gây ra bệnh lý viêm khớp vai.
- Một số bệnh lý về vai gáy, cổ
Một số bệnh lý xảy ra ở vùng cổ, vai gáy, cũng là nguyên nhân gây viêm khớp vai cấp tính cũng như viêm khớp vai tái đi tái lại thường xuyên, nhiều lần. Không những thế, các bệnh lý này còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây biến dạng cấu trúc xương khớp, thoái hóa, ảnh hưởng đến sinh hoạt, vận động của người bệnh. Đặc biệt là đối với những trường hợp bệnh tiến triển kéo dài, không có hướng can thiệp cũng như điều trị phù hợp.
- Nguyên nhân khác
Các nguyên nhân như dây chằng yếu, tổn thương xương đòn, viêm dây chằng là những nguyên nhân trực tiếp gây ảnh hưởng đến khớp vai thường đi kèm viêm bao khớp. Để phục hồi tình trạng này, người bệnh cần rất nhiều thời gian để điều trị khôi phục theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
D. Biến chứng của viêm khớp vai
Viêm khớp vai cũng có nhiều biến chứng nguy hiểm như nhiều bệnh xương khớp khác nếu như không có kế hoạch can thiệp và điều trị sớm có thể khiến cho bệnh nhân gặp phải nhiều biến chứng như:
- Có thể gây đứt gân, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và vận động của bệnh nhân.
- Tàn phế nếu không điều trị tích cực trong giai đoạn sớm, dẫn đến nguy cơ liệt chi.
- Nguy cơ nhiễm khuẩn khớp vai gây nhiễm trùng tại chỗ, nhiễm trùng máu, có thể đe dọa tính mạng.
II. 6 Cách điều trị viêm khớp vai hiệu quả
Tùy theo tình trạng sức khỏe và tiến triển của bệnh viêm khớp vai mà người bệnh có những hướng điều trị khác nhau phù hợp với từng trường hợp cụ thể. Thông thường, điều trị viêm khớp vai có thể được điều trị bằng các loại thuốc Tây, điều trị theo Tây Y, các bài thuốc Nam, thuốc Đông Y.
1. Chữa viêm khớp vai bằng bài thuốc Nam
Bài thuốc nam chữa viêm khớp vai thực chất không có tác dụng điều trị nhanh chóng. Cần phải kết hợp kiên trì cùng các phương pháp điều trị khác để thuốc phát huy tác dụng tốt hơn.
a. Bài thuốc từ cà gai leo
Cà gai leo hay còn được gọi là cà gai dây, cà vạnh, đây là loại thảo dược có chứa hoạt chất flavonoid và khả năng chống oxy hóa mạnh giúp kháng viêm, giảm sưng đau khớp và cải thiện các triệu chứng viêm khớp vai. Bạn có thể thực hiện bài thuốc bằng 2 cách đơn giản sau:
Cách 1:
- Lấy khoảng 10-20 gam rễ cà gai leo khô cho vào ấm sắc với nước uống trong ngày.
- Mỗi ngày sắc thuốc uống 1 lần giúp giảm đau nhức gân xương do viêm khớp vai hiệu quả.
Cách 2:
- Chuẩn bị cà gai leo, cỏ xước, thiên niên kiện, thổ phục linh mỗi loại 300 gam, quế chi 100g, lá lốt phơi khô rồi tán nhỏ 80g.
- Cho tất cả các vị thuốc đã chuẩn bị trên vào ngâm với 5 lít rượu trắng, ngâm trong khoảng hơn 1 tuần rồi lấy ra uống chữa bệnh.
- Mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần 1 ly nhỏ.
b. Bài thuốc từ dây đau xương
Dây đau xương cũng có chứa một lượng lớn chất flavonoid, chất này giúp điều trị các chứng đau nhức mỏi xương khớp, viêm khớp, phong thấp khớp rất hay. Khi dùng dây đau xương chữa bệnh viêm khớp vai, bệnh nhân có thể áp dụng theo dạng uống và đắp như sau:
Bài thuốc uống:
- Lấy khoảng 12-15 gam thân dây đau xương đã phơi khô sắc với nước để uống mỗi ngày.
- Bài thuốc này có công dụng giảm đau nhức gân cốt và bồi dưỡng sức khỏe.
Bài thuốc đắp:
Với bài thuốc này, bạn dùng lá dây đau xương đem giã nát, trộn cùng với một ít rượu trắng loại tốt rồi đắp lên khớp vai bị viêm để giảm sưng, giảm đau.
c. Bài thuốc từ cây trinh nữ
Cây trinh nữ hay còn được gọi là cây mắc cỡ, cây xấu hổ, cỏ thẹn, là một loài thảo dược mọc hoang nhưng có nhiều tác dụng chữa bệnh. Trong y học cổ truyền, cây trinh nữ được gọi là hàm tu thảo, có vị ngọt, hơi se, tính hơi hàn, giúp an thần, giảm đau, chống viêm, lợi tiểu. Theo y học hiện đại, trong cây trinh nữ có chứa các hoạt chất flavonoid có khả năng kháng viêm và giảm đau nên chữa đau nhức xương khớp, viêm khớp khá hay. Bạn có thể thực hiện bài thuốc theo 2 cách đơn giản như sau:
Cách 1:
- Mang cây trinh nữ về đem rửa sạch, thái mỏng rễ cây trinh nữ, đem tẩm với rượu và sao thơm.
- Mỗi ngày dùng khoảng 20-30g rễ cây trinh nữ sắc với 2 chén nước đến khi còn lại 1/2 chén thì chia 2 lần uống trong ngày.
Cách 2:
- Kết hợp khoảng 20g rễ trinh nữ, 20g rễ cúc tần, 10g rễ đinh lăng và 10g rễ cam thảo dây.
- Cho tất cả vào ấm sắc với 3 chén nước còn 1 chén chia uống 2-3 lần trong ngày.
d. Bài thuốc từ gừng
Gừng là một trong những loại dược liệu tự nhiên có tinh dầu zingiberen giúp bệnh nhân giảm đau tại chỗ, thường được dân gian sử dụng khá phổ biến để giảm đau cho một số bệnh đau nhức.
Chuẩn bị:
- Gừng khoảng 30g
- Vỏ bưởi tươi khoảng 200g
Thực hiện:
- Gừng và vỏ bưởi đem rửa sạch sau đó xay nhuyễn.
- Đắp vào vị trí khớp bị viêm sưng, sau khoảng 30 phút thì rửa lại với nước sạch.
- Có thể thực hiện đều đặn khoảng 1 lần/ngày trong thời gian 1 tuần để cải thiện tình trạng đau.
e. Bài thuốc từ bắp cải
Bắp cải có nhiều vitamin A, C, K, B6, các thành phần vi lượng như folate, mangan, thiamin, canxi, sắt, magiê, phốt pho và kali. Ngoài ra nhiều chất chống oxy hóa như sulforaphane, phenethyl isothiocyanate và Indol-33 carbino cũng được tìm thấy trong thành phần của bắp cải. Cách dùng bắp cải điều trị đau khớp vai cũng dễ áp dụng.
Chuẩn bị:
- Bắp cải 1/2 cái
Thực hiện:
- Bắp cải rửa cho sạch sau đó ép lấy nước uống, lọc phần bã.
- Lấy phần bã bắp cải đem hơ lên cho nóng sau đó đắp vào vị trí sưng đau.
- Có thể áp dụng vài lần trong tuần để làm giảm cảm giác đau vùng khớp vai.
f. Bài thuốc từ hoa đinh hương
Hoa đinh hương chứa nhiều vitamin B, C, D, E, K cùng với nhiều thành phần khác như canxi, kali, protein, kẽm, folate,…. Đinh hương thường dùng làm gia vị trong các món ăn cũng như làm dược liệu cải thiện sức khỏe.
Chuẩn bị:
- Đinh hương khoảng 20g
- Long não khoảng 12g
- Cồn 90 độ khoảng 250ml
Thực hiện:
- Các nguyên liệu trên đem tán thành bột mịn và trộn đều.
- Đựng hỗn hợp trong lọ đậy kín sau đó dùng dần.
- Có thể lấy một chút bột thuốc thoa đều vào vùng vai, nách để cải thiện cơn đau.
- Có thể thực hiện liên tục trong vòng 5 ngày.
g. Bài thuốc từ ké đầu ngựa
Ké đầu ngựa (Xanthium strumarium L.) là dược liệu thuộc họ Cúc (Asteraceae). Thành phần chính của ké đầu ngựa có thành phần saponin, alcaloid, glucoza, sintosterol, các chất béo, iod,… Dân gian thường dùng ké đầu ngựa để cải thiện tình trạng đau do các bệnh xương khớp gây ra.
Chuẩn bị:
- Ké đầu ngựa khoảng 130g
- Nước lọc khoảng 1,5 lít nước
Thực hiện:
- Sử dụng ké đầu ngựa để rửa sạch, giã nhuyễn.
- Sau đó sắc với 1,5 lít nước.
- Đun tới khi nước thuốc còn khoảng 1/3 thì tắt bếp.
- Sử dụng để uống trong thời gian khoảng 1 tuần để cải thiện tình trạng sức khỏe xương khớp.
h. Bài thuốc từ cây đinh lăng
Đinh lăng (Polyscias fuiticosa) là dược liệu có các thành phần alcaloit, vitamin B1, saponin, flavonoit, glucozit, tanit và các axit amin trong đó có methionin, lyzin và xystei. Đây là một trong những loại dược liệu phổ biến thường được dân gian sử dụng để cải thiện tình trạng sức khỏe.
Chuẩn bị:
- Đinh lăng 1 nắm lá tươi
Thực hiện:
- Rửa sạch sau đó giã nát
- Sau đó đắp lên lưng mỗi ngày 1 lần
- Mỗi lần đắp khoảng 30 phút
2. Áp dụng phương pháp Chiropractic chữa viêm khớp vai
Phương pháp Chiropractic là phương pháp điều trị các vấn đề xương khớp bằng cách nắn chỉnh. Đây là một phương pháp điều trị bảo tồn, không qua phẫu thuật., có tác dụng giải phóng áp lực cho các khớp. Các bác sĩ sẽ đánh giá mức độ nghiêm trọng của khu vực khớp bị viêm và tiến hành nắn chỉnh cho phù hợp.
Cách này thường áp dụng cho những trường hợp viêm khớp vai do các sinh hoạt hằng ngày, viêm khớp vai cấp tính. Khi thực hiện có thể phối hợp với các kỹ thuật khác như siêu âm, điện trị liệu, tia laser,…
3. Vật lý trị liệu điều trị viêm khớp vai
Những phương pháp vật lý trị liệu thường kết hợp với điều trị bằng thuốc cũng như một số phương pháp điều trị khác. Nếu được can thiệp sớm, các phương pháp vật lý trị liệu có thể giúp bệnh nhân giảm được khoảng 70% các triệu chứng của bệnh viêm khớp vai. Vật lý trị liệu điều trị viêm khớp vai gồm có một số liệu pháp nhiệt trị liệu, điện trị liệu, các bài tập phù hợp với từng khu vực cần trị liệu.
❋ Trị liệu bằng nhiệt
Cách này thường dùng nhiệt để giúp tăng cường tuần hoàn tại chỗ, giúp chống viêm sưng cũng như giảm đau tại vị trí khớp. Áp dụng trị liệu bằng nhiệt có thể giúp phân tán các chất trung gian viêm, thúc đẩy quá trình nuôi dưỡng, phục hồi thương tổn do viêm khớp gây ra.
Trị liệu bằng nhiệt thường dùng túi nóng, cát nóng, bùn nóng, các loại thảo dược hơ nóng,… Tuy nhiên trong quá trình thực hiện thường chống chỉ định với những trường hợp viêm khớp vai kèm theo sưng đỏ, phù nề.
❋ Trị liệu bằng sóng ngắn
Đây cũng là một hướng điều trị được áp dung trong trường hợp bệnh nhân cần cải thiện và phục hồi viêm sưng khớp. Các bước sóng ngắn, sóng radio, điện trường cao tần,… dùng trong điều trị thông thường có bước sóng từ 11 m (tương đương tần số 27,12 MHz) đến 22 m (tần số 13,56 MHz). Hiện nay bước sóng phổ biến trong các máy sóng ngắn trị liệu là 11,2m.
Mục đích chính của sóng ngắn là tăng nhiệt độ trong tổ chức mà bước sóng ngắn đi qua, từ đó tạo ra một số hiệu ứng sinh học như:
- Tác dụng giảm đau khi đi qua hạch giao cảm, ức chế các sợi dẫn truyền cảm giác đau.
- Tác dụng chống viêm khi đi qua tổ chức viêm, làm tăng bạch cầu đến tổ chức viêm.
- Làm giãn mạch dựa trên tác dụng của nhiệt, giúp giảm ứ đọng cũng như tăng cường lượng máu lưu thông.
- Thúc đẩy hệ thần kinh vận động làm việc, dẫn truyền và hỗ trợ phục hồi chức năng.
Ngoài ra, một số phương pháp vật lý trị liệu khác như dùng tia hồng ngoại, siêu âm,… cũng có tác dụng tại chỗ trên khu vực mà chúng đi qua, từ đó tạo ra những ảnh hưởng tích cực lên vị trí sưng đau.
4. Bấm huyệt chữa viêm khớp vai
Dựa trên những huyệt cố định vùng khớp vai, các thầy thuốc Đông y tiến hành xoa bóp, ấn huyệt, châm cứu để trục xuất hàn khí ra khỏi cơ thể đồng thời tăng cường lưu thông khí huyết, phát huy tác dụng điều trị đau mỏi khớp vai.
Bước 1: Xác định huyệt đạo
- Kiên ngung: Nằm giữa xương cánh tay và mỏm cùng của bả vai khi khép cánh tay. Điểm lõm phía trước bên ngoài khớp, mỏm cùng – xương đòn khi dang cánh tay.
- Kiên trinh: Là điểm lõm giữa nếp nách với đầu khớp vai.
- Kiên tỉnh: Nằm giữa đường nối mỏm cùng vai và huyệt đại chùy (đốt sống cổ số 7)
- Tý nhu: Nằm cuối tam giác cánh tay và nối liền với huyệt kiên trung và khúc rì.
- Thủ tam lý: cách 2 tấc từ huyệt khúc trì xuống dưới.
- Hợp cốc: khép chặt ngón trỏ và ngón tay cái dính vào nhau, vị trí huyệt sẽ nằm ở vị trí cao nhất giữa hai ngón.
- Ngoài ra còn có các điểm như Thừa sơn, Điều khấu, Khúc trì, Dương lăng tuyền, Nhu du, Thiên tông, Cự cốt, Kiên liêu, A thị huyệt…
Bước 2: Thao tác xoa bóp, day quanh vùng khớp vai đau nhức khoảng 3-5 phút để các cơ mềm ra.
Bước 3: Tiếp đến dùng ngón tay cái day mạnh huyệt kiên ngung.
Bước 4: Khoảng 5 phút sau, tiếp tục dùng ngón tay cái day huyệt kiên trinh 3 phút.
Bước 5: Day tiếp đến huyệt kiên tỉnh ở vị trí điểm giữa đường nối đốt sống cổ số 7 và mỏm cùng của vai
Bước 6: Người bệnh ngồi thẳng lưng trên ghế. Người thực hiện dùng một tay cố định trên khớp vai bị đau, tay kia nắm chặt cổ tay người bệnh và quay vòng chậm đến tăng dần mỗi chiều khoảng 10 vòng.
Bước 7: Dùng bàn tay xoa khớp vai bị đau cho đến khi nóng lên.
Bước 8: Thực hiện tiếp động tác nắm tay vào khớp vai của người bệnh, tay kia giữ cổ tay bên vai bị đau và nâng tay từ từ về phía trước, sau đó tiếp tục đưa về sau. Thực hiện lặp lại động tác lặp lại vài lần rồi thư giãn.
Lưu ý
Phương pháp này không nên thực hiện khi chưa có kinh nghiệm thực hiện. Mặt khác, phương pháp này chỉ giúp hỗ trợ làm giảm triệu chứng và không có tác dụng điều trị dứt điểm.
5. Điều trị bệnh viêm khớp vai bằng Tây y
Tây Y thường có hai hướng điều trị chính đối với bệnh viêm khớp vai là điều trị nội khoa và điều trị ngoại khoa. Tùy theo mức độ và tình trạng bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định hướng điều trị phù hợp cho bệnh nhân.
- Điều trị nội khoa
Thường sử dụng các loại thuốc giảm đau, kháng sinh chữa viêm khớp vai với mục đích bảo tồn, có tác dụng giúp khắc phục các cơn đau, chống viêm và hạn chế những triệu chứng viêm khớp vai tiến triển. Từ đó có thể ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm xảy ra, giúp người bệnh có thể tiếp tục các hoạt động hàng ngày ở vai, cánh tay.
Để chữa bệnh viêm khớp vai, một số loại thuốc được áp dụng phổ biến, thường được bác sĩ kê toa đó là: Paracetamol, Artroda, Arcoxia, Bonlutin, Ibuprofen, Fenalgic,… Điều trị viêm khớp vai bằng thuốc Tây y sẽ phát huy hiệu quả trong những trường hợp nhất định, tùy vào mức độ và diễn tiến của bệnh mà bác sĩ sẽ căn cứ vào đó để kê đơn với liều lượng và các loại thuốc cho phù hợp với thể trạng và hạn chế gây hại nhất đối với cơ thể.
Tuy nhiên, đối với những người bệnh bị viêm loét dạ dày, bị bệnh thận, cần phải lưu ý và trao đổi về bệnh tình với bác sĩ trước khi kê đơn. Thông thường, để tránh gây ảnh hưởng đến các bộ phận khác, bác sĩ sẽ thường kèm theo thuốc bề đường tiêu hóa, dạ dày cho bệnh nhân như: Borini-K, Medoprazole và Salazopyrine.
- Điều trị ngoại khoa
Trong hầu hết các bệnh, điều trị nội khoa thường được ưu tiên hơn so với điều trị ngoại khoa nhằm bảo tồn toàn vẹn ổ khớp của bệnh nhân. Chỉ trong những trường hợp bệnh tiến triển nặng, khả năng phục hồi thấp, nguy cơ biến chứng cao, đe dọa sức khỏe và chất lượng sống của người bệnh thì mới tiến hành điều trị ngoại khoa để lấy lại khả năng vận động cho các khớp.
Tương tự như điều trị ngoại khoa của các bệnh viêm khớp khác, bệnh viêm khớp vai thường chỉ định phẫu thuật thay khớp nếu như các phương pháp điều trị nội khoa không đem lại kết quả khả quan trong điều trị, các khớp của bệnh nhân đã hư hỏng nặng.
Khi đã tiến hành một số xét nghiệm cần thiết, bệnh nhân được tiến hành cắt chỏm xương cánh tay, doa ống tủy xương cánh tay, chuẩn bị bề mặt khớp để tiến hành lắp khớp nhân tạo. Trong quá trình phẫu thuật bác sĩ có hể sử dụng xi măng sinh học để gia cố vị trí khớp nếu cần thiết.
6. Đông y chữa viêm khớp vai
Ngoài việc điều trị viêm khớp vai bằng thuốc Tây y thì áp dụng các bài thuốc Đông y để chữa bệnh cũng được khá nhiều người tin dùng. Y học cổ truyền cho rằng, viêm khớp vai chính chứng kiên tỷ thống, nguyên nhân là do phong hàn thấp làm cho khí huyết không thông, từ đó gây đau nhức. Ngoài ra, cẩn thận hư tổn, mắc bệnh nội thương, ứ huyết do sang chấn lâu ngày mà sinh bệnh.
Những bài thuốc này được điều chế từ các loại thảo dược thiên nhiên nên rất an toàn cho sức khỏe, ít gây tác dụng phụ nguy hiểm. Tuy nhiên, khi sử dụng thuốc đông y chữa viêm khớp vai thì người bệnh cần phải kiên trì và thực hiện thường xuyên thì mới đem lại hiệu quả cao.
Bài thuốc 1
Nguyên liệu chuẩn bị bao gồm:
- Hoàng kỳ 15 gam
- Quế chi 9 gam
- Bạch thược 12 gam
- Đan sâm 15 gam
- Ngưu tất 9 gam
- Thân cam thảo 18 gam
- Bạch truật 9 gam
- Cam thảo 9 gam
- Tích đoạn 12 gam
- Độc hoạt 9 gam
- Phòng phong 9 gam
- Đại táo 10 quả
Thực hiện:
- Cho tất cả các nguyên liệu vào ấm và sắc uống tương tự như các bài thuốc đông y khác.
- Kiên trì uống liên tục 5 thang thì mới có tác dụng, mỗi lần uống sẽ có mồ hôi toát ra.
Bài thuốc 2
Chuẩn bị nguyên liệu gồm:
- Quế chi 9 gam
- Đương quy 9 gam
- Bạch thược 6 gam
- Hoàng kỳ 9 gam
- Bà sâm 12 gam
- Phục linh 9 gam
- Bán hạ 6 gam
- Phòng phong 9 gam
- Bạch truật 9 gam
- Cam thảo 9 gam
- Sinh khương 3 nhát
Thực hiện:
Mỗi ngày sắc uống ngày 1 thang kiên trì trong một thời gian để mang lại hiệu quả tốt nhất.
III. Hỗ trợ điều trị và phòng bệnh viêm khớp vai
Đối với người bị viêm khớp vai, bệnh nhân cần chú ý áp dụng song song các biện pháp điều trị và phòng ngừa nhằm ngăn chặn bệnh quay trở lại. Người bệnh cần đặc biệt lưu ý một số vấn đề trong cuộc sống, các hoạt động hằng ngày, bao gồm:
Điều chỉnh hoạt động hằng ngày
Trong các hoạt động, sinh hoạt hằng ngày, bạn cần tránh các động tác mang vác nặng, những động tác cần nhiều lực cánh tay,… Cần cẩn thận khi tham gia các môn thể thao dễ gây chấn thương, đặc biệt là những môn thể thao cần dùng nhiều lực như cầu lông, bóng chuyền, bóng đá, bóng rổ,… Người bệnh cũng cần cẩn thận trong đi đứng, nhất là ở người cao tuổi, sức yếu. Có thể dùng thêm gậy cho người cao tuổi khi đi đứng, vận động để tránh té ngã, làm tăng nguy cơ chấn thương.
Đây là những yếu tố giúp bạn tránh bị chấn thương, giúp ngăn ngừa nguy cơ chấn thương lên các khu vực vai, cánh tay.
Chú ý chế độ dinh dưỡng
Đối với bệnh nhân viêm khớp vai, chế độ dinh dưỡng cũng là yếu tố đặc biệt quan trọng, ảnh hưởng lớn đến sức khoẻ xương khớp của bệnh nhân. Người bệnh nên bổ sung một số loại thực phẩm cung cấp nhiều canxi, các vitamin và khoáng chất. Đồng thời bạn cũng nên hạn chế các loại thực phẩm quá nhiều chất béo, kiêng các loại chất kích thích như rượu, bia, không hút thuốc lá để bảo vệ sức khoẻ.
Cân bằng cân nặng
Cân nặng có ảnh hưởng lớn đến sức khoẻ xương khớp. Khi cân nặng càng lớn, sức ép lên các khớp càng lớn, đặc biệt là các khớp lớn trên cơ thể như khớp gối, khớp háng. Đối với người thừa cân, béo phì, cần có chế độ dinh dưỡng phù hợp để điều chỉnh cân nặng cho hợp lý, tránh ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ,…
Với một số thông tin cần biết về bệnh viêm khớp vai và những hướng điều trị thích hợp, hi vọng bạn sẽ có sự chủ động hơn trong xử trí đối với căn bệnh khó chịu này. Tương tự như nhiều bệnh xương khớp khác, điều trị viêm khớp vai cần kiên trì, chú ý điều trị sớm cũng như cân bằng giữa chế độ luyện tập, dinh dưỡng cho phù hợp nhất.
➥ Bạn nên xem ngay: 7 triệu chứng thoái hóa khớp vai không phải ai cũng biết
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!