Khớp vai là một trong những khớp lớn trên cơ thể đảm nhiệm nhiều chức năng quan trọng đối với vận động của các chi trên. Tuy không ảnh hưởng đến tính mạng nhưng bệnh đau khớp vai có ảnh hưởng lớn đến vận động, dễ chuyển sang mạn tính khiến bệnh kéo dài dai dẳng, khó chữa.
Nội dung bao gồm:
I. Giải mã hiện tượng đau khớp vai
Cấu tạo của khớp vai khá phức tạp, đây cũng là một trong những khớp có kích thước lớn trên cơ thể. Khớp vai có cấu trúc phức hợp với sự tham gia của khớp ức đòn, khớp cùng vai – đòn, khớp bả vai – lồng ngực, khớp ổ chảo – cánh tay, bao hoạt dịch dưới mỏm cùng. Ngoài ra hỗ trợ hoạt động cho các khớp còn có 5 cơ lớn, bao gồm cơ thang (Trapezius), cơ nâng vai (Levator scapulae), cơ trám (Rhomboids), cơ răng trước (Serratus anterior), cơ ngực bé (Pectoralis minor).
Nhờ cấu trúc phức hợp như trên, khớp vai có tầm hoạt động và vận động rất đa dạng, thực hiện được nhiều động tác khác nhau như:
- Gấp – duỗi: có thể gấp được từ 165 – 180 độ, duỗi 30 – 60 độ.
- Dạng: có thể dạng từ 150 – 180 độ.
- Xoay trong – ngoài: có thể thực hiện các cử động xoay trong – ngoài từ 60 – 90 độ.
- Động tác gấp (khép) ngang khoảng 135 độ, duỗi (dạng) ngang khoảng 45 độ.
- Các động tác nâng – xoay bả vai lên xuống.
Với tầm hoạt động đa dạng, khớp vai đảm nhiệm rất nhiều chức năng quan trọng của chi trên, giúp hỗ trợ rất lớn cho các hoạt động của cánh tay, bàn tay để thao tác trong các hoạt động, vận động hằng ngày.
I. Giải mã hiện tượng đau khớp vai
Đau khớp vai được hiểu là tình trạng tổn thương ban đầu tại vùng khớp vai, nhất là ở những vị trí như xương vai, ổ chảo, đầu trên xương cánh tay, các cơ, gân, dây chằng, dây thần kinh, mạch máu,… xung quanh khớp vai.
Để chủ động trong xử lí tình trạng đau khớp vai, người bệnh cần nắm rõ các triệu chứng đau khớp vai, xác định các nguyên nhân gây bệnh và có hướng điều trị phù hợp, kịp thời.
A. Nhận biết triệu chứng đau khớp vai
Đối với các bệnh xương khớp, việc nhận biết sớm các triệu chứng đặc biệt quan trọng vì có thể giúp can thiệp khi bệnh chưa có những biến chứng nguy hiểm. Đồng thời, can thiệp sớm cũng là cách để giúp cho các bệnh xương khớp không tái đi tái lại. Ở bệnh nhân đau khớp vai, một số triệu chứng điển hình gồm có:
- Đau tại chỗ – đau quanh khớp vai
Đây là dấu hiệu điển hình ở những bệnh nhân đau khớp vai và cũng xuất hiện từ rất sớm. Khi mới khởi phát, bệnh nhân thường cảm nhận những cơn đau nhẹ, bất thường, không rõ nguyên nhân, tiến triển cơn đau chậm.
Theo thời gian tình trạng cơn đau sẽ tăng lên, tần suất của các cơn đau cũng dồn đập hơn. Cơn đau từ âm ỉ sẽ dần chuyển sang đau nhói, không chỉ đau tại chỗ mà còn đau ra xung quanh khớp vai, thậm chí lan đến phần cổ tay, lan ra sau tay, khuỷu tay. Trong các hoạt động, sinh hoạt hằng ngày, bệnh nhân cũng có thể gặp phải những cơn đau nhói khó chịu khi có các va chạm hoặc cử động đột ngột.
- Vận động bị hạn chế
Khi bệnh nhân bị đau khớp vai, vận động ở khớp vai, cánh tay, bàn tay,… đều bị hạn chế đáng kể. Nhất là các vận động quay cánh tay, lật tay, với tay lên phía trên. Do đó các thao tác thường ngày như đưa tay lấy đồ, chải đầu, rửa mặt,… Nếu cơn đau lan xuống khuỷu có thể ảnh hưởng đến chức năng co duỗi của khuỷu tay ở người bệnh.
- Co rút cơ bắp, teo cơ
Đây là triệu chứng thường thấy sau khi người bệnh bị đau khớp vai một thời gian. Người bệnh do đau đớn nên rất ngại vận động nhiều, lâu dần sẽ khiến cho cơ quanh khớp yếu đi, có thể gây teo cơ quanh khớp. Đồng thời, bệnh nhân cũng có nguy cơ bị dính khớp ở vị trí giữa phần màng cứng với những mô mềm nằm xung quanh.
- Sợ lạnh
Người bị đau khớp vai thường sợ lạnh, nhất là ở vị trí vai bị đau. Vào thời điểm giao mùa, thời tiết chuyển lạnh, hơi lạnh sẽ xâm nhập vào khớp và cơ xương quanh khớp, làm cho dịch khớp lưu thông chậm, giảm lưu thông. Điều này ảnh hưởng lớn đến việc bôi trơn các khớp, khiến cho hai đầu xương bị cọ xát vào nhau, làm cho bệnh nhân có cảm giác đau nhức dữ dội hơn so với khi thời tiết bình thường.
Ngoài những triệu chứng có thể quan sát được bằng mắt thường, khi chụp X-quang, bệnh nhân có hiện tượng xốp xương, hóa vôi dưới mỏm vai nhưng không bị phá hủy xương. Một số bệnh nhân chụp X-quang khi mới bị đau khớp không có dấu hiệu này nhưng sau một thời gian khớp bị đau thì phát hiện dấu hiệu thay đổi ở xương và khớp vai.
B. Nguyên nhân gây đau khớp vai
Đau khớp vai thường liên quan đến hai nhóm nguyên nhân phổ biến là do chấn thương hoặc do bệnh lý. Một số trường hợp đau khớp vai do cả hai nhóm nguyên nhân trên. Có thể điểm qua như sau:
- Đau khớp vai do chấn thương
Nguyên nhân đau khớp vai do chấn thương rất phổ biến trong cuộc sống hằng ngày. Nhất là chấn thương xương đòn, khớp nối mỏm vai. Người bệnh có thể bị đau do rất nhiều hoạt động hằng ngày góp phần gây chấn thương. Điển hình như các môn thể thao nặng, nhất là bơi lội, bóng chuyền, quần vợt,… Các hoạt động đột ngột, các tai nạn trong cuộc sống, mang vác nặng, thường xuyên chịu tác động đè lên vai như mang balo nặng, ngủ đè lên vai,… cũng có thể làm tổn thương khớp vai.
Ngoài ra, một số dạng thương tổn không ảnh hưởng trực tiếp đến khớp vai mà tác động lên các khu vực quanh khớp như gân, bao gân, phần dây chằng, các dây thần kinh, sụn, bao hoạt dịch,… cũng được xem là yếu tố thúc đẩy tình trạng viêm sưng xảy ra.
- Đau khớp vai do bệnh lý
Nhiều bệnh lý xương khớp cũng có thể thúc đẩy tình trạng đau khớp vai xảy ra, đặc biệt là một số bệnh lý như viêm khớp, viêm dây chằng, viêm cơ ống xoay vai, thoát vị đĩa đệm cổ,… Đa phần những bệnh lý này ngoài tình trạng đau nhức tại chỗ đều có thể gây ra tình trạng đau tê lên các rễ thần kinh và ảnh hưởng đến vùng vai gáy.
Nhìn chung, dù đau khớp vai do chấn thương hay đau khớp vai do bệnh lý thì đều gây ra những ảnh hưởng xấu đến vị trí khớp vai, từ đó dẫn đến những ảnh hưởng về cấu trúc, chức năng của khớp, qua đó gây đau khớp vai.
II. Cách chữa đau khớp vai hiệu quả
Đối với điều trị đau khớp vai, tùy theo từng trường hợp cụ thể, vị trí đau, mức độ đau,… mà sẽ có các phương pháp phù hợp để chữa đau khớp bả vai. Thông thường, tùy theo giai đoạn tiến triển của bệnh mà cách điều trị cũng có những đặc điểm riêng biệt.
1. Điều trị đau khớp vai ở giai đoạn khởi phát
Đối với những bệnh nhân đau khớp vai ở giai đoạn này, các dấu hiệu thường chỉ mới xuất hiện và cơn đau cũng ở mức độ nhẹ. Do đó hầu hết những trường hợp này thường được áp dụng các biện pháp giảm đau, hỗ trợ giảm cứng khớp và lưu thông máu ở các cơ và khu vực khớp. Đau khớp vai giai đoạn khởi phát thường được chỉ định một số phương pháp tác động tại chỗ như:
A. Giảm đau khớp vai bằng xoa bóp bấm huyệt
Phương pháp này thường sử dụng các động tác xoa bóp, massage, làm ấm vùng khớp vai bị đau và hỗ trợ lưu thông máu tại khớp vai. Dùng tay xoa hoặc day ấn trực tiếp vào điểm đau, nhất là những trường hợp bị co cứng các cơ ở nhóm cơ đòn, nhóm cơ thang, nhóm cơ ức,… để giúp giảm cơ cứng cơ và các khớp. Các bước thực hiện như sau:
- Ngồi thẳng sau đó thả lỏng cơ thể trên ghế tựa. Thầy thuốc đứng phía sau và thực hiện các thao tác bấm huyệt.
- Trước khi thực hiện bấm huyệt, bệnh nhân cần làm nóng, khởi động phần cơ bả vai để chúng mềm ra. Thao tác khởi động rất quan trọng vì giúp bệnh nhân có thể tránh được hiện tượng chuột rút trong quá trình thực hiện bấm huyệt.
- Các huyệt thường được luân phiên xoa bóp gồm có huyệt kiên tỉnh, huyệt tí nhu, ngoài ra còn có huyệt thủ tam lý, huyệt hợp cốc,… nếu như có xuất hiện đau lan.
- Mỗi đợt thực hiện có thể dùng ngón tay cái day ấn trong thời gian khoảng 3 phút ở từng vị trí huyệt.
- Các động tác xoa bóp, bấm huyệt để giảm đau khớp vai thường thực hiện đều đặn trong khoảng 10 ngày, mỗi ngày khoảng 2 lần.
Một số phương pháp vật lý trị liệu, sử dụng nhiệt, dùng sóng ngắn, kéo dãn các cơ cũng có thể được xem xét áp dụng để cải thiện tình trạng đau khớp vai.
B. Chữa đau khớp vai bằng mẹo dân gian
Bên cạnh vật lý trị liệu, áp dụng một số mẹo dân gian cũng là cách phù hợp cho những bệnh nhân đau khớp vai giai đoạn khởi phát. Đa phần những mẹo dân gian này khá dễ thực hiện, nguyên liệu dễ kiếm, thường dùng để làm giảm đau và phối hợp với các phương pháp điều trị khác.
✽ Chữa đau khớp vai bằng cây cà gai leo
Cà gai leo là loại cây dược liệu tự nhiên có chứa nhiều flavonoid nên thường dùng để cải thiện tình trạng viêm nhiễm, giảm sưng đau các khớp. Loại cây này cũng khá phổ biến và mọc nhiều ở một số tỉnh, khu vực rừng núi. Có thể thực hiện các mẹo giảm đau khớp vai với cà gai leo theo 2 cách phổ biến:
Cách 1
Chuẩn bị:
- Rễ cà gai leo khoảng 20g.
Thực hiện:
- Rễ cà gai leo rửa sạch, để ráo rồi đem phơi khô.
- Sắc rễ cà gai leo với nước sau đó uống hằng ngày.
- Uống khoảng 1 tháng mỗi ngày để giúp giảm dần các triệu chứng đau khớp vai.
Cách 2
Chuẩn bị:
- Cà gai leo khoảng 300g.
- Thiên niên kiện khoảng 300g.
- Cỏ xước khoảng 300g.
- Thổ phục linh khoảng 300g.
- Quế chi 100g.
- Lá lốt 80g.
- Rượu trắng 5 lít.
Thực hiện:
- Các nguyên liệu chính đem phơi khô sau đó tán nhỏ.
- Cho các nguyên liệu bột đã tán nhỏ vào 5 lít rượu trắng và ngâm trong khoảng 1 tuàn là có thể sử dụng được.
✽ Chữa đau khớp vai bằng dây đau xương
Một dược liệu chứa nhiều flavonoid tương tự như cà gai leo là dây đau xương. Dân gian thường dùng dây đau xương để cải thiện nhiều chứng bệnh như đau mỏi xương khớp, phong thấp, viêm đau,… Có thể dùng dây đau xương để thực hiện bài thuốc uống hoặc bài thuốc đắp.
Bài thuốc uống
Chuẩn bị:
- Dây đau xương khoảng 15g
Thực hiện:
- Sắc dây đau xương để uống hằng ngày
- Mỗi lần sắc khoảng 300ml là đủ
- Áp dụng bài thuốc có thể giúp làm giảm bớt dấu hiệu đau nhức do các bệnh xương khớp, đau khớp vai gây ra.
Bài thuốc đắp
Chuẩn bị:
- Dây đau xương khoảng 20g
- Rượu trắng khoảng 1 lít
Thực hiện:
- Với các nguyên liệu trên, bạn đem dây đau xương giã nát.
- Trộn bột dây đau xương cùng với rượu trắng
- Sử dụng hỗn hợp này trên vùng khớp vai bị đau nhức
- Kiên trì thực hiện để giúp giảm dần cảm giác sưng tấy, giảm bớt cảm giác đau nhức
✽ Chữa đau khớp vai bằng ngải cứu
Ngải cứu trong dân gian thường sử dụng để làm giảm các dấu hiệu viêm, sưng, khó chịu vùng vai. Trong ngải cứu có chứa nhiều glucoside, tannis, chlorophyll, axit malic, vitamin B và vitamin C. Các thành phần này có nhiều lợi ích cho sức khỏe, giúp chống nhiễm khuẩn, giảm sưng đau. Dân gian thường sử dụng ngải cứu và muối trắng để giúp giảm đau với một số bệnh đau nhức thông thường.
Chuẩn bị:
- Lá ngải cứu khoảng 1 nắm
- Muối trắng khoảng 1 nắm
Thực hiện:
- Ngải cứu và muối trắng đem sao lên cho vàng
- Khi hỗn hợp đã nóng vàng, cho vào một túi vải
- Đặt túi vải lên vùng vai bị đau trong khoảng 15 phút để cải thiện tình trạng đau
- Không nên đắp ngay khi sao nóng mà nên để cho nguội bớt để tránh bị phỏng
✽ Chữa đau khớp vai bằng hạt gấc
Hạt gấc là một trong những mẹo được dân gian sử dụng để cải thiện tình trạng đau nhức xương khớp, nhất là khớp vai. Thông thường dân gian thường dùng rượu ngâm hạt gấc để sử dụng xoa bóp trên các vị trí đau nhức ở khớp vai.
Chuẩn bị:
- Hạt gấc khoảng 50 hạt
Thực hiện:
- Tách phần màng bên ngoài của hạt gấc ra sau đó rửa sạch
- Để ráo nước sau đó đem nướng chín rồi để nguội
- Sau khi hạt gấc nguội, đập bỏ phần vỏ cứng sau đó lấy nhân mềm bên trong
- Nhân hạt gấc cho vào bình thủy tinh với rượu trắng khoảng 45 độ
- Khi rượu xâm xấp hạt thì đậy kín nắp và ngâm trong 5 – 7 ngày ở nơi khô ráo, thoáng mát, tránh ánh sáng.
- Sau khi ngâm lấy hỗn hợp thoa trực tiếp lên vùng khớp vai bị đau mỏi.
- Xoa đều tay để giúp tạo nhiệt và lưu thông máu, giúp giảm nhanh các cơn đau ở vai.
2. Chữa đau khớp vai ở giai đoạn thứ phát
Sau giai đoạn khởi phát, bệnh đau khớp vai sẽ chuyển sang giai đoạn thứ phát. Ở giai đoạn này, bệnh nhân cần được điều trị tích cực với những phương pháp chuyên dụng hơn. Điều trị đau khớp vai giai đoạn thứ phát thường được áp dụng nếu các phương pháp điều trị trong giai đoạn khởi phát khoảng 3 tuần mà không đem lại kết quả.
A. Dùng thuốc trị đau khớp vai theo Tây Y
Đây là một trong những cách điều trị đau khớp vai giai đoạn thứ phát. Bệnh nhân có thể được chỉ định một số thuốc uống hoặc thuốc tiêm để cải thiện tình trạng đau. Tùy theo tình trạng của bệnh nhân mà các bác sĩ có thể chỉ định một số thuốc giảm đau như paracetamol, thuốc giảm đau không steroid như aspirin, meloxicam,…
Bên cạnh các thuốc giảm đau, bác sĩ cũng có thể chỉ định sử dụng kết hợp với các thuốc giãn cơ, thuốc bổ thần kinh. Một số thuốc corticoid sử dụng tiêm tại chỗ ở mỏm cùng vai, vị trí bám gân cơ nhị đầu,… cũng có thể được chỉ định thực hiện nếu cần thiết.
Điểm chung của các loại thuốc Tây trong điều trị đau khớp vai là phải sử dụng theo đơn của bác sĩ. Tuyệt đối không sử dụng và lạm dụng nếu không có ý kiến chuyên môn để tránh những biến chứng xấu cho sức khỏe. Lạm dụng các loại thuốc giảm đau, điều trị bệnh xương khớp có thể dẫn đến các ảnh hưởng lên hệ tiêu hóa, gan thận cùng với một số biến chứng khác.
B. Áp dụng vật lý trị liệu chữa đau khớp vai
Bên cạnh các thuốc Tây Y trị đau khớp vai, bác sĩ còn có thể chỉ định các phương pháp vật lý trị liệu để giúp cải thiện sức khỏe cho bệnh nhân. Mục đích chính khi thực hiện vật lý trị liệu là giúp giảm đau, tránh co cứng các cơ, giúp làm giãn mạch, tăng cường quá trình chuyển hóa và các chất dinh dưỡng đi qua khu vực khớp bị đau. Những cách thực hiện vật lý trị liệu hiện nay gồm có các biện pháp:
- Chườm nóng
- Đắp paraphin
- Tắm bùn nóng
- Chiếu tia hồng ngoại
- Sử dụng sóng ngắn
- Chiếu tia laser
- Các bài tập vật lý trị liệu
C. Phẫu thuật điều trị đau khớp vai
Trong trường hợp các phương pháp điều trị bảo tồn đều không mang lại kết quả, bác sĩ có thể chỉ định cho bệnh nhân thực hiện phẫu thuật. Đây là phương pháp điều trị cuối cùng trong trường hợp các phương pháp điều trị khác không mang lại kết quả cho bệnh nhân. Tùy theo tình trạng sức khỏe của bệnh nhân mà có thể thực hiện phẫu thuật nội soi hoặc phẫu thuật thay khớp vai.
✽ Điều trị đau khớp vai bằng phẫu thuật nội soi
Tuy có ưu điểm ít xâm lấn nhưng phẫu thuật này chỉ có thể áp dụng khi khớp vai chưa hư hại quá nhiều. Nếu khớp vai đã tổn thương quá nặng thì thường được chỉ định phẫu thuật thay khớp vai để cải thiện vận động khớp vai.
✽ Điều trị đau khớp vai bằng phẫu thuật thay khớp vai
Phẫu thuật này chỉ được thực hiện trong những trường hợp đau khớp vai nặng, các khớp vai bị mất khả năng vận động đáng kể. Bệnh nhân đã điều trị đau khớp vai bằng nhiều phương pháp bảo tồn nhưng không có tiến triển thì bác sĩ sẽ cân nhắc để phẫu thuật thay khớp vai cho bệnh nhân để cải thiện sức khỏe, lấy lại khả năng vận động khớp vai.
Tùy theo tình trạng hư và thương tổn khớp, bệnh nhân có thể được thực hiện phẫu thuật thay khớp vai toàn phần hoặc khớp vai bán phần. Trong phẫu thuật, bệnh nhân có thể được bác sĩ chỉ định thêm xi măng để gia cố các khớp. Trung bình độ bền của khớp nhân tạo sau khi thay có thể sử dụng trong thời gian từ 15 – 20 năm. Sau thời gian này, nếu tình trạng khớp nhân tạo yếu đi và mất chức năng khớp thì phải thay lại khớp mới.
III. Người bị đau khớp vai cần lưu ý
Đối với người bị đau khớp vai, bên cạnh việc điều trị bệnh, những điều chỉnh về chế độ sống, chế độ sinh hoạt, dinh dưỡng cũng rất cần thiết đối với sức khỏe của bệnh nhân. Người bị đau khớp vai cần đặc biệt lưu ý một số vấn đề sau trong sinh hoạt và đời sống hằng ngày, bao gồm:
- Luôn điều chỉnh tư thế sinh hoạt, làm việc, nằm, ngồi cho phù hợp.
- Nên tránh ngồi làm việc quá lâu, mỗi 1 giờ cần đứng dậy để thực hiện các biện pháp vận động vùng vai, tay, vận động cột sống cổ, xoa bóp vai gáy, sau cổ để giúp tăng lưu thông máu.
- Nên hạn chế các biện pháp vận động mạnh, nhất là các hoạt động tay đột ngột, đưa quá đầu hoặc xoay cánh tay thường xuyên, hạn chế các bài tập thể dục nặng để tránh ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
- Bệnh nhân cũng nên dành nhiều thời gian để thư giãn, nghỉ ngơi, tránh căng thẳng.
- Chế độ dinh dưỡng cho người bị đau khớp vai cũng cần bổ sung đầy đủ dinh dưỡng, khoáng chất, nhất là canxi, kali, các vitamin C, D, K, B, E,…
- Khi có các dấu hiệu đau trở lại cần thăm khám sớm để can thiệp, cải thiện sức khỏe. Bên cạnh đó, người bệnh nên thăm khám định kỳ theo chỉ định của bác sĩ để có thể phát hiện sớm các dấu hiệu đau khớp vai và điều trị kịp thời.
Với bệnh nhân đau khớp vai, việc nhận diện sớm và điều trị tích cực rất quan trọng đối với sức khỏe của bệnh nhân. Một số thông tin trên đây có thể giúp bạn nhân diện rõ hơn về bệnh đau khớp vai và có hướng điều trị chủ động phù hợp nhất. Thăm khám và điều trị sớm là rất quan trọng và cần thiết để tránh những ảnh hưởng xấu do bệnh đau khớp vai gây ra.
➥ Bạn không nên bỏ qua:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!