Câu hỏi tư vấn:
Xin hỏi, tôi năm nay 38 tuổi. Thời gian gần đây tôi thường xuyên bi đau mỏi ở vùng vai sau gáy, nhiều khi đau lan xuống bả vai và thường chỉ xuất hiện vào buổi sáng sau khi thức dậy. Tôi đang lo lắng không biết đây có phải là triệu chứng bệnh đau vai gáy không và bệnh có chữa được không ? Tôi nên làm gì để phòng tránh và khắc phục tình trạng này. Xin được tư vấn giùm. Tôi xin chân thành cảm ơn!
(Phí Thanh Tùng – Gò Vấp – HCM).
Tư vấn:
Chào bạn, triệu chứng đau mỏi vùng vai gáy sau khi thức dậy thường hay xảy ra ở nhiều người. Các cơn đau ở vùng vai, cổ gáy, có thể đau lan xuống bả vai, làm tê mỏi cánh tay, cẳng tay và ngón tay thường xuất hiện vào buổi sáng sau khi thức dậy nhưng cũng có khi xuất hiện vào bất cứ thời điểm nào trong ngày cũng như khi bạn mang vác nặng, làm việc,… Bình thường, triệu chứng này không gây nguy hiểm, chỉ có điều sẽ khiến cho người bệnh cảm thấy khó chịu, làm giảm sức lao động, ảnh hưởng tới sinh hoạt hàng ngày và nhất là gây lo lắng.
Nguyên nhân gây đau mỏi vai gáy sau khi thức dậy thường là do bạn hay nằm nghiêng một bên khi ngủ, tư thế nằm co quắp khiến cho việc lưu thông máu và trao đổi ôxy trong cơ thể giảm, tốc độ tuần hoàn trong cơ thể kém dẫn đến bị đau nhức sau khi ngủ dậy. Ngoài ra ở người bệnh bị đau vai gáy thường xuyên còn là do tư thế ngồi làm việc, học tập, sinh hoạt sai tư thế trong thời gian dài, những người làm lái xe, làm việc nhiều với máy tính,… về bị đau vai gáy. Ngoài ra, hội chứng đau vai gáy còn có thể do các bệnh lý như: thoái hóa cột sống cổ, thoát vị đĩa đệm cột sống cổ, vẹo cổ bẩm sinh, dị tật, viêm, chấn thương vùng cổ, ung thư, lao, u hố sau…
Để xác định chính xác tình trạng bệnh, bạn nên đến gặp bác sĩ để được khám và kiểm tra chính xác. Việc chụp Xquang cột sống cổ sẽ cần thiết để xác định tình trạng bệnh và có biện pháp chữa trị phù hợp, kịp thời. Bệnh đau mỏi vai gáy có thể chữa khỏi nên bạn đừng quá lo lắng. Nếu bệnh nhẹ thì người bệnh chỉ cần tự điều chỉnh giảm đau tại nhà với một số cách như xoa bóp, dán cao dán giảm đau,… Các trường hợp khác có thể dùng thuốc giảm đau, kháng viêm theo hướng dẫn và chỉ định của bác sĩ. Bạn có thể sử dụng vitamin E để uống kết hợp với các biện pháp xoa bóp vùng vai gáy, bả vai để giảm đau.
Ngoài ra, hãy xây dựng cho mình lối sống sinh hoạt lành mạnh bằng cách tập luyện, thay đổi một số thói quen không tốt gây ảnh hưởng tới bệnh đau vai gáy. Cụ thể như sau:
– Tránh ngồi làm việc quá lâu ở một tư thế, nhất là với những người làm việc nhiều bên máy tính nên thường xuyên nghỉ ngơi, vận động. Giữ đúng tư thế khi ngồi học, không cúi gập cổ quá sâu, không nằm gối cao đầu khi xem ti vi hoặc đọc sách.
– Khi đi ngủ nên giữ tư thế thoải mái, không nằm co quắp. Bạn nên sử dụng gối gối đầu cao không quá 10cm.
– Bỏ thói quen bẻ, lắc cổ phát ra tiếng kêu sẽ khiến cho đĩa đệm bị lệch và gây đau.
– Thường xuyên luyện tập thể dục thể thao phù hợp. Một số động tác hỗ trợ phòng ngừa và giảm đau vùng cổ vai gáy như ưỡn cổ, cúi đầu về phía trước, ngửa đầu ra phía sau, nghiêng đầu sang trái, sang phải,…
– Thường xuyên xoa bóp, nắm vai gáy sẽ giúp tăng cường lưu thông máu và giảm đau rất tốt, tạo cảm giác dễ chịu.
– Không làm việc quá sức, không khuân vác nặng.
– Tăng cường bổ sung trong chế độ ăn uống nhiều loại thực phẩm giàu canxi, kali và các vitamin C, B, E,… có tác dụng hỗ trợ điều trị và cải thiện tình trạng bệnh.
Bạn nên quan tâm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!